Pages

Wednesday, April 22, 2009

Điện toán Đám Mây

Xu thế hướng tới điện toán đám mây bắt đầu vào cuối những năm 80 với những khái niệm về điện toán lưới (grid computing), khi lần đầu tiên một số lượng lớn các hệ thống được sử dụng để giải quyết một vấn đề, thường là vấn đề khoa học.

Nhiều người cũng đã đặt câu hỏi với chúng tôi về sự khác biệt giữa điện toán lưới và điện toán đám mây. Thực ra, sự khác biệt cơ bản nằm ở cách thức mà từng mô hình điện toán đó cung cấp các tài nguyên cần thiết cho một tải công việc.



* Trong điện toán lưới, trọng tâm được đặt vào việc di chuyển một tải công việc đến địa điểm của các tài nguyên điện toán cần thiết, thường là các địa điểm ở xa và sẵn sàng để sử dụng. Thông thường một lưới là một nhóm máy chủ mà trên đó một nhiệm vụ lớn có thể được chia thành những nhiệm vụ nhỏ hơn để chạy song song. Từ quan điểm này, một lưới có thể được xem chỉ là một máy chủ ảo. Các lưới cũng đòi hỏi các ứng dụng tuân thủ các giao diện phần mềm của lưới.


* Trong một môi trường đám mây, các tài nguyên điện toán như máy chủ, có thể được định hình động hoặc được cắt nhỏ từ cơ sở hạ tầng phần cứng nền và trở nên sẵn sàng một tải công việc. Thêm vào đó, điện toán đám mây không chỉ hỗ trợ điện toán lưới mà nó còn hỗ trợ cả những môi trường không phải là điện toán lưới, ví dụ như kiến trúc Web ba lớp chạy các ứng dụng truyền thống hay ứng dụng Web 2.0.

Vào những năm 90, khái niệm về ảo hóa được mở rộng, vượt khỏi phạm vi các máy chủ ảo sang những cấp độ cao hơn của sự trừu tượng hóa, đầu tiên, đó là nền tảng ảo (virtual platform), và tiếp đó là ứng dụng ảo (virtual application). Điện toán theo nhu cầu (Utility computing) cung cấp các nhóm (clusters) như là những nền tảng ảo dành cho điện toán với một mô hình kinh doanh có thể đo lường được. Gần đây, Phần mềm dưới dạng dịch vụ (software as a service - SaaS) đã nâng mức độ của ảo hóa đến cấp độ ứng dụng, với một mô hình kinh doanh trong đó việc tính cước không dựa trên tài nguyên được sử dụng mà dựa trên giá trị của ứng dụng đối với các thuê bao.

Khái niệm của điện toán đám mây đã tiến triển từ khái niệm về điện toán lưới, điện toán theo yêu cầu và SaaS. Nó là một mô hình đang nổi lên trong đó người dùng có thể có được truy nhập đến các ứng dụng của họ từ bất cứ đâu thông qua các thiết bị được kết nối của họ. Các ứng dụng này nằm tại những trung tâm dữ liệu có tính mở rộng rất lớn trong đó các tài nguyên điện toán có thể được cung cấp động và được chia sẻ để đạt được hiệu quả kinh tế. Sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh, kết nối không dây tốc độ cao và các giao diện Web 2.0 phong phú đã biến mô hình điện toán đám mây qua mạng không chỉ trở thành hiện thực mà còn là một cách để giảm mức độ phức tạp của hạ tầng công nghệ thông tin.

Thế mạnh của một đám mây nằm ở khả năng quản lý cơ sở hạ tầng cùng với sự trưởng thành và tiến bộ của công nghệ ảo hóa để quản lý và sử dụng tốt hơn các tài nguyên vật lý thông qua sự tự động hóa việc cung cấp, tạo bản sao, cân bằng tải công việc, giám sát và xử lý yêu cầu thay đổi hệ thống.

copy & paste

No comments: